Vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, điều kiện sinh hoạt, hàng nghìn công nhân thủy lợi trong tỉnh vẫn ngày đêm âm thầm cống hiến, góp phần tạo dựng những mùa vàng.
4 thập kỷ bám trụ với nghề thủy lợi, ông Tại đã nếm trải mọi khó khăn của nghề
Lắm gian truân
Trung tuần tháng 2, chúng tôi theo chân đội cán bộ của Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) TP Chí Linh về trạm bơm Thái Học A để kiểm tra sản xuất. Muốn vào trạm phải qua con đường đất nhỏ trải dài đến tận cánh đồng phía xa tít tắp. Trạm bơm nằm giữa khu đất rộng chừng 1.000 m2, xung quanh được che chắn bởi những hàng bạch đàn tươi tốt.
Thấy chúng tôi bàn tán về đàn gà, từ xa có giọng nói vọng lại: “Gà đồi Chí Linh chính hiệu đấy. Ngoài làm thủy nông tôi còn tranh thủ tăng gia sản xuất nên ở đây rau xanh, gà, cá đủ cả”. Qua lời giới thiệu của cán bộ xí nghiệp, chúng tôi mới biết người đàn ông đang ghì tay quay cánh cống kia là ông Vũ Đình Tại, Trạm trưởng trạm bơm Thái Học A. Nhìn vẻ bề ngoài không ai nghĩ ông Tại đã ở tuổi 60.
Gác việc sang một bên, ông Tại mời chúng tôi vào nơi ở cũng là nơi làm việc. Đó là một căn nhà nhỏ nằm ngay cạnh kênh đại thủy nông Phao Tân – An Bài. Do xây dựng từ lâu nên trần nhà đã có nhiều chỗ bị nứt, gãy.
Để không bị dột khi trời mưa, ông Tại đã lợp thêm 1 lớp tôn phía trên. Ông Tại cho biết “tuổi đời” của trạm bơm Thái Học A cũng xấp xỉ với tuổi nghề của ông. Hơn 40 năm dãi nắng, dầm mưa, trạm bơm giờ đã xuống cấp còn ông thì còn vài ngày nữa là về hưu.
“Trạm xuống cấp còn được tu bổ, sửa chữa, tôi chưa kịp “xuống cấp” thì đã đến hưu. Già nửa đời gắn với thủy lợi, giờ về nghỉ thấy cũng buồn”, ông Tại nói. Trạm Thái Học A hiện có 3 máy bơm với tổng công suất trên 7.000m3/giờ, phục vụ tưới tiêu cho 220 ha lúa của phường Thái Học.
4 thập kỷ bám trụ với nghề thủy lợi nên mọi khó khăn, gian khổ ông Tại đều đã từng nếm trải. Ngoài vận hành máy bơm, ông Tại và 6 thành viên trong trạm còn quản lý 14 km kênh đại thủy nông Phao Tân – An Bài.
Đây là tuyến kênh lớn đi qua nhiều khu dân cư nên rác thải, rong bèo thường xuyên nổi đầy mặt kênh. Trước khi lấy nước, các thành viên trong trạm đều phải dọn bèo, rác để khơi thông dòng chảy. Những tuyến kênh dài sẽ mất nhiều thời gian dọn vệ sinh hơn.
“Nhiều khi ngâm mình cả ngày dưới nước vẫn không dọn hết rác sinh hoạt của người dân thải ra. Việc gặp xác động vật chết hay dẫm phải mảnh chai, vỏ ốc là chuyện bình thường. Ngoài ra, khi vận hành máy nếu không chú ý rất dễ bị điện giật. Nhiều người đã phải bỏ nghề vì không chịu được khổ”, ông Tại kể tiếp.
Do có địa hình bán sơn địa nên Chí Linh có nhiều kênh chìm, nguồn nước phụ thuộc chủ yếu vào thủy triều. Một số trạm bơm như Thái Học A, Đọ Xá, Bát Giáo, Văn Đức phải canh khi triều cường mới bắt đầu bơm nước. Những ngày áp Tết, các trạm bơm bắt đầu đổ ải nên việc trực trạm cũng thêm phần vất vả.
Đêm 30 Tết vừa rồi, trạm bơm Thái Học A bắt đầu bơm nước đổ ải. Sau khi cùng gia đình quây quần bên mâm cơm tất niên, ông Tại phải quay lại trạm để trực. Đến khoảng 22giờ, trời nổi gió, mưa càng lúc càng nặng hạt. Thấy mưa to, gió lớn, ông Tại vội mặc áo mưa ra trạm để kiểm tra máy móc và hệ thống kênh dẫn.
Chưa kịp ra đến sân thì mưa đá ập đến, rơi xuống như trút. Để ra đến trạm, ông Tại phải đưa cả tấm ván lớn lên đầu che chắn. Thấy thời tiết bất lợi, ông quyết định tắt hết máy bơm để bảo đảm an toàn.
“Đêm đó, gió thổi liên hồi, nhiều cây bạch đàn bị đổ ngả nghiêng. Đám rau mới lên trước cửa trạm bị mưa đá táp nát hết cả. Nếu đêm đó mưa đá làm thủng mái tôn có lẽ tôi chỉ còn cách mang chiếu ra trạm bơm nằm ngủ. Dù đã 60 tuổi nhưng chưa năm nào tôi đón giao thừa đặc biệt đến thế”, ông Tại kể lại.
Một ngày khác, chúng tôi về thăm trạm bơm Ứng Hòe (Ninh Giang). Từ ngoài cổng đã nghe thấy tiếng cười nói ríu rít của chị em công nhân. Anh Hân, Giám đốc Xí nghiệp KTCTTL Ninh Giang cho biết trạm bơm Ứng Hòe có 7 người thì tất cả đều là nữ.
Mặc dù là phái yếu nhưng giao việc gì cũng làm đâu ra đấy. Quả thực có bàn tay của phụ nữ nên trạm bơm Ứng Hòe khác nhiều so với các trạm mà chúng tôi đã từng đến. Trạm sạch sẽ, cây cối xanh tốt và nhìn đâu cũng thấy hoa hồng, hoa cúc.
Nhiều công nhân nữ không quản ngại khó khăn, vất vả quyết bám trụ với nghề thủy lợi
Do chưa có lịch bơm nước, các thành viên ở trạm tranh thủ kiểm tra, lau chùi lại máy móc và các cửa cống. Chị Nguyễn Thị Hoa, Trạm trưởng trạm bơm Ứng Hòe cho biết làm thủy lợi đã vất vả nhưng phụ nữ làm nghề này còn vất vả hơn.
Mưa, bão, sấm chớp vẫn phải ra đồng để đóng, mở cống và kiểm tra kênh, mương. Nhiều cánh cống lâu ngày không sử dụng nên bị kẹt, 4-5 chị em loay hoay cả tiếng đồng hồ dưới trời mưa mới mở được. Nhiều người ở xa trong đêm tối vẫn đi gần chục cây số lên trạm để bơm nước cho kịp thời vụ.
Những năm gần đây, tình trạng người dân vứt rác thải bừa bãi ra kênh khiến dòng chảy thường xuyên bị tắc nghẽn. Cứ vớt xong trục kênh chính thì rác từ kênh phụ lại ùn ùn đổ ra khiến công việc càng thêm vất vả. “Ngày mới vào làm việc, tôi thường bị ám ảnh bởi xác động vật chết nổi trên kênh. Nhiều hôm dọn xong về đến nhà không còn muốn ăn cơm. Nhờ tích cực tuyên truyền, vận động nên hiện nay tình trạng vứt xác động vật ra kênh đã hạn chế đi nhiều”, chị Hoa nói.
Bám nghề
Đồng lương ít ỏi, công việc vất vả nhưng nhiều công nhân thủy lợi vẫn quyết bám trụ với nghề. Ngày đầu nhận công tác, chị Nguyễn Thị Thu ở xã Đồng Tâm (Ninh Giang) được phân công về trạm bơm Long Xuyên (Kinh Môn).
Không quản ngày hay đêm, mưa hay nắng cứ cách ngày chị lại đến đơn vị để trực một lần.
Chị Thu cho biết: “Mùa bão lũ, công nhân thủy lợi trực 100% quân số nên ngày nào cũng phải đến đơn vị. Lúc đầu đi lại cũng thấy cực nhưng lâu dần thành quen. Nhiều người khuyên tôi nên ở lại cho đỡ vất vả nhưng thương con nhỏ không ai trông nom nên cứ hết ca trực tôi lại về nhà. Những hôm trực đêm, tôi thường đưa con sang trực cùng”.
Một mình trông coi hồ Chín Thượng giữa rừng núi hắt hiu ở xã Bắc An (TP Chí Linh), không ít lần anh Nguyễn Ngọc Luân được người nhà khuyên nhủ tìm kiếm công việc khác cho đỡ vất vả. Nhưng vì 10 năm gắn bó với nghề thủy lợi nên anh không nỡ từ bỏ.
Hồ Chín Thượng rộng khoảng 5 ha có nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho hơn 40 ha đất nông nghiệp. Đây gần như là nguồn nước duy nhất để chống hạn cho địa phương.
“Tôi sinh ra và lớn lên ở Bắc An nên hiểu rõ hơn ai hết tầm quan trọng của hồ Chín Thượng. Nguồn nước này đã giúp chúng tôi cấy đủ 2 vụ lúa, cây trái tươi tốt quanh năm. Quản lý nguồn nước và bảo vệ hồ cũng chính là bảo vệ quê hương”, anh Luân chia sẻ.
Giữa núi rừng thăm thẳm, không nhà, không lán trông coi nên ngày nào anh Luân cũng đi xe gần 10km lên hồ để kiểm tra. Mùa mưa bão, nước đầu nguồn đổ xuống anh phải dựng lán tạm ở lại để theo dõi vì sợ nước tràn đập. Những ngày như thế anh thường lót dạ bằng mỳ tôm, trứng hoặc bánh mỳ.
Hết mùa mưa bão, anh lại tiếp tục dọn cỏ ven hồ, kiểm tra, sửa chữa các chỗ rò rỉ ở cống và thân đập. “Nước ở đây quý lắm. Nếu không được kiểm tra thường xuyên nước sẽ thấm ra chân đập, cống điều tiết, thẩm lậu.
Điều tiết và quản lý không tốt thì vào mùa hạn 40 ha nông nghiệp của khu Chín Thượng sẽ không có nước tưới tiêu, sinh hoạt của người dân cũng bị ảnh hưởng”, anh Luân cho biết. Có lẽ vì những lý do này nên anh Luân quyết tâm gắn bó với nghề đến vậy.
Quanh năm dãi nắng, dầm mưa nên gương mặt của công nhân thủy lợi nào cũng sạm màu sương gió. Dù vậy, nụ cười của họ vẫn luôn rạng rỡ, đủ để xua tan những vất vả, lo toan. Đối với họ, chỉ cần thấy những mảnh vườn trĩu quả, những cánh đồng thơm bông thì mọi khó khăn, gian khổ đều tan biến.
ĐỖ QUYẾT – BaoHaiDuong