Thủy lợi trong sự nghiệp phát triển nông thôn thời kỳ đổi mới

  1. Nguyễn Đình Ninh

Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

  1. ĐẶT VẤN ĐỀ.

Với mục tiêu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020; muốn vậy trước hết nông nghiệp và nông thôn phải phát triển lên một trình độ mới bằng việc đổi mới cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng giá trị thu được trên một đơn vị diện tích, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ; phát triển công nghiệp, dịch vụ, các làng nghề ở nông thôn, tạo nhiều việc làm mới.

Để đáp ứng những mục tiêu đó, công tác thuỷ lợi phục vụ sản xuất nông-lâm-ngư-diêm nghiệp và kinh tế nông thôn đang đứng trước những thời cơ và thách thức mới. Đó là việc đảm bảo nước để ổn định khoảng 4 triệu ha đất có điều kiện sản xuất lúa, giữ vững an ninh lương thực với sản lượng lương thực có hạt khoảng 40 triệu tấn vào năm 2010; có các giải pháp thuỷ lợi hiệu quả phục vụ cho 3 triệu ha cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm, khoảng 1,2 triệu ha cây công nghiệp hàng năm; cung cấp nước cho các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề nông thôn, cung cấp nước sạch cho cư dân nông thôn; xây dựng các hệ thống cung cấp nước để làm muối chất lượng cao và nuôi trồng thuỷ, hải sản với qui mô lớn; xử lý nước thải từ các vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung, từ các làng nghề, từ các cơ sở sản xuất công nghiệp dịch vụ ở nông thôn.

  1. HIỆN TRẠNG THUỶ LỢI PHỤC VỤ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP VÀ NÔNG THÔN.
  2. Đặc điểm tài nguyên nước.

            Theo đánh giá của Liên hiệp quốc, trong thế kỷ 20 dân số thế giới tăng lên 3 lần trong khi tài nguyên nước được khai thác tăng lên 7 lần. Với tốc độ tăng dân số như hiện nay, dân số thế giới được dự báo là 8 tỷ người năm 2020 và 10 tỷ vào năm 2050. Như vậy, nhu cầu về nước sẽ tăng 650% trong vòng 30 năm tới. Đến năm 2025 sẽ có trên 3,5 tỷ người trên hành tinh sống trong điều kiện khan hiếm nước.

            Nước ta có tài nguyên nước ở mức trung bình của thế giới. Lượng nước phát sinh trên lãnh thổ bình quân đầu người khoảng 4100 m3/năm vào năm 2000. Với tốc độ tăng dân số hiện nay, lượng nước bình quân đầu người tiếp tục giảm 18-20% sau mỗi thập kỷ.

      Do chịu ảnh hưởng mạnh của địa hình và giao lưu giữa 2 hệ thống gió mùa đông bắc và tây nam, lượng mưa phân bố không đều theo không gian và thời gian. Mùa mưa chiếm 75-85% lượng mưa cả năm. Trong khi mùa khô lương mưa rất nhỏ, nhiều tháng không mưa. Về mặt không gian, có những vùng lượng mưa đạt 3000-5000mm/năm, trong khi có vùng dưới 1000mm/năm. Sự chênh lệch từ 3-5 lần.

      Mưa phân bố  không đều nên dòng chảy mặt là sản phẩm của mưa phân bố cũng không đều. Những vùng mưa lớn có modul dòng chảy 60-80 lít/s/km2 trong khi những vùng mưa nhỏ chỉ đạt 10 lít/s/km2. Trong mùa mưa lượng dòng chảy chiếm 70-80% lượng dòng chảy năm, trong khi tháng có lượng dòng chảy nhỏ nhất chỉ chiếm 1-2%.

      Tài nguyên nước dưới đất với trữ lượng động thiên nhiên trên toàn lãnh thổ (chưa kể phần hải đảo) khoảng 50-60 tỷ m3 tương đương 1513 m3/s nhưng cũng phân bố không đều trên các vùng địa chất thuỷ văn.

      Với những đặc điểm về tài nguyên nước, tình trạng hạn hán, thiếu nước vào mùa khô năm nào cũng xẩy ra với mức độ khác nhau. Và mùa mưa tình trạng úng lụt cũng thường xuyên xuất hiện. Trong vòng 5 năm gần đây, năm nào Việt Nam cũng phải đương đầu với thiên tai liên quan đến nước. Năm 1997, 1998 do ảnh hưởng của Enninô hạn hán nghiêm trọng trên nhiều vùng, đặc biệt là miền trung và tây nguyên. Năm 1999 hai trận lụt đầu tháng 11 và đầu tháng 12 ở miền trung được đánh giá là trận lụt lịch sử. Năm 2000, 2001 lụt ở Đồng bằng sông Mê Kông trong đó trận lụt năm 2000 được đánh giá là lớn nhất trong 70 năm qua cả về đỉnh, lượng và thời gian lũ. Đầu năm 2002 hạn hán lại xẩy ra trên diện rộng ở Nam Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên gây thiệt hại lớn cho nông lâm nghiệp, thuỷ sản. Cháy rừng tràm ở Kiên Giang và Cà Mau cũng có nguyên nhân cơ bản do hạn hán.

  1. Hiện trạng thuỷ lợi phục vụ nông nghiệp.

Sau nhiều năm đầu tư, với mục tiêu chủ yếu là đảm bảo an ninh lương thực quốc gia tiến tới xuất khẩu. Đến nay, cả nước đã có 75 hệ thống thuỷ lợi vừa và lớn, rất nhiều hệ thống thuỷ lợi nhỏ với tổng giá trị tài sản cố định khoảng 60.000 tỷ đồng (chưa kể giá trị đất và công sức nhân dân đóng góp). Các hệ thống thuỷ lợi năm 2000 đã đảm bảo tưới cho 3 triệu ha đất canh tác, tiêu 1.4 triệu ha đất tự nhiên ở các tỉnh bắc bộ, ngăn mặn 70 vạn ha, cải tạo 1.6 triệu ha đất chua phèn ở đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2000, diện tích lúa được tưới cả năm gần 7 triệu ha chiếm 84% diện tích lúa. Các công trình thuỷ lợi còn tưới trên 1 triệu ha rau màu, cây công nghiệp và cây ăn quả. Lượng nước sử dụng cho nông nghiệp rất lớn. Theo tính toán năm 1985 đã sử dụng 41 tỷ m3 chiếm 89,8% tổng lượng nước tiêu thụ, năm 1990 sử dụng 46,9 tỷ m3 chiếm 90% và năm 2000 khoảng trên 60 tỷ m3

Nhờ các biện pháp thuỷ lợi và các biện pháp nông nghiệp khác trong vòng 10 năm qua sản lượng lương thực tăng bình quân 1.1 triệu tấn/năm. Tổng sản lượng lương thực năm 2000 đạt 34,5 triệu tấn, đưa bình quân lương thực đầu người 330 kg năm 1990 lên 444 kg năm 2000. Việt Nam từ chỗ thiếu lương thực đã trở thành nước xuất khẩu gạo lớn với mức gần 4 triệu tấn/năm.

  1. Công tác thuỷ lợi phục vụ nuôi trồng thuỷ sản và nước sạch nông thôn.

Tiềm năng phát triển nuôi trồng thuỷ hải sản nước ta khá lớn, nhiều hệ thống thuỷ lợi khi xây dựng đã xét đến việc kết hợp cấp nước để nuôi trồng thuỷ sản. Khi xây dựng các hồ chứa nước vấn đề phát triển thuỷ sản trong hồ chứa cũng được đề cập đến. Vài năm gần đây do hiệu quả của nuôi trồng thuỷ sản nhất là tôm sú nhiều vùng đất ven biển đã được xây dựng thành những khu vực nuôi trồng thuỷ sản tập trung. Tuy nhiên việc xây dựng các hệ thống thuỷ lợi đáp ứng yêu cầu sản xuất chưa được quan tâm đúng mức, chưa có qui hoạch và các giải pháp đồng bộ. Hầu hết đều do dân tự phát, tự tổ chức xây dựng theo kinh nghiệm. Nhiều nơi, đã có hiện tượng thủy hải sản bị bệnh, tôm chết hàng loạt mà nguyên nhân là do môi trường nước không đảm bảo liên quan đến hệ thống cấp nước và thoát nước. Một số vùng đã có tranh chấp giữa nuôi tôm và trồng lúa gắn với nó là ranh giới mặn, ngọt cũng là vấn đề công tác thuỷ lợi phải xem xét, giải quyết.

      Việc phát triển thuỷ sản ở các hồ chứa nước cũng rất hạn chế, ở hầu hết  các hồ chứa vừa và lớn chủ yếu chỉ khai thác nguồn lợi thủy sản tự nhiên nên chỉ sau 1 thời gian ngắn nguồn lợi này đã cạn kiệt. Đây là một tiềm năng lớn nhưng chưa được quan tâm tổ chức, đầu tư.

      Các hệ thống thuỷ lợi đã cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho phần lớn cư dân nông thôn nhất là trong mùa khô. Với 80% dân số sống ở nông thôn, hầu hết các hệ thống thuỷ lợi đều tạo nguồn nước sinh hoạt trực tiếp cho dân hoặc nâng cao mực nước ở các giếng đào. Ngay ở miền núi, đồng bào sống khá phân tán, những nơi đảm bảo nguồn nước sinh hoạt vững chắc là những nơi có hệ thống thuỷ lợi đi qua. Những công trình thuỷ lợi tạo nguồn nước cho sinh hoạt điển hình như Dầu Tiếng, Sông Quao, Nam Thạch Hãn, Ngòi Là, Phai Quyền… đã tạo nguồn nước sinh hoạt cho hàng chục triệu dân nông thôn nhất là trong mùa khô.

  1. Hệ thống tổ chức và cơ chế chính sách.

Cùng với các cơ quan quản lý nhà nước, quá trình phát triển thuỷ lợi trong những năm qua đã hình thành 2 khu vực quản lý vận hành các công trình thuỷ lợi : Khu vực các doanh nghiệp nhà nước quản lý các hệ thống lớn bao gồm các công trình đầu mối, trục dẫn chính và các kênh đến xã. Khu vực nông dân tự quản lý các công trình nhỏ và hệ thống kênh mương trong nội bộ xã.

Đến nay, cả nước có 172 doanh nghiệp nhà nước với gần 20000 cán bộ công nhân, trong đó có 1800 cán bộ đại học và trên đại học. Những năm qua, các doanh nghiệp nhà nước khai thác công trình thuỷ lợi đã cố gắng trên cả 3 nội dung của công tác quản lý là quản lý công trình, quản lý nước và quản lý kinh tế. Nhưng hầu hết các doanh nghiệp đều rơi vào tình trạng tài chính khó khăn, công trình xuống cấp, đời sống của người lao động thấp dẫn đến hiệu quả khai thác chưa cao.

Khu vực nông dân tự quản, trước đây khi còn các hợp tác xã nông nghiệp kiểu cũ, các hợp tác xã đều có các đội thuỷ nông chuyên trách làm nhiệm vụ dẫn nước và sửa chữa công trình trong phạm vi hợp tác xã. Các đội thuỷ nông phối hợp với các doanh nghiệp khai thác công trình thuỷ lợi thành mạng lưới khép kín từ đầu mối đến mặt ruộng. Sau khi chuyển đổi cơ chế, người nông dân tự chủ sản xuất kinh doanh trên ruộng đất được giao quyền sử dụng. Các đội thuỷ nông thuộc các hợp tác xã nông nghiệp cũ gần như tan rã. Do nhu cầu tất yếu phải có sự hợp tác với nhau của những hộ cùng hưởng nước từ một con kênh, ở nhiều nơi nông dân tự tổ chức nhau lại dưới nhiều hình thức như: Hợp tác xã dùng nước, hiệp hội dùng nước, tổ đường nước, ban quản lý công trình… Có nơi, nông dân đứng ra nhận khoán chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý vận hành hệ thống trên mặt ruộng. Nhìn chung tổ chức dùng nước cơ sở hiện nay còn lúng túng cũng hạn chế hiệu quả của các công trình thuỷ lợi.

Về cơ chế chính sách trong quản lý vận hành, cùng với pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi đã có nghị định về thuỷ lợi phí 112/HĐBT, Nghị định 56/CP về doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích, thông tư liên tịch 90/TCNN hướng dẫn chế độ tài chính đối với các doanh nghiệp khai thác công trình thuỷ lợi…Nhưng cơ chế tài chính của các doanh nghiệp vẫn không đảm bảo. Hầu hết các doanh nghiệp khai thác công trình thuỷ lợi đều rơi vào tình trạng thu không đủ chi, nhưng việc cấp bù thực hiện không đầy đủ. Ở những địa phương quan tâm và khả năng ngân sách khá việc cấp bù chỉ được một phần. Ở những địa phương khó khăn việc cấp bù không được thường xuyên. Trong tình trạng tài chính như vậy, các doanh nghiệp phải hoạt động theo kiểu “Gọt chân theo giày”. Theo tính toán, muốn đảm bảo hệ thống các công trình không xuống cấp, an toàn và hiệu quả hàng năm cần 1200-1500 tỷ để duy tu bảo dưỡng và quản lý. Trong khi nguồn thu từ thuỷ lợi phí chỉ đạt 350-400 tỷ và ngân sách hỗ trợ khoảng 100 tỷ như vậy mới đảm bảo khoảng 40% yêu cầu chi phí hợp lý.

  1. Phòng chống lũ lụt.

            Qua hàng ngàn năm, nước ta đã xây dựng và củng cố được gần 6.000 km đê sông, trên 2.000 km đê biển để chống lũ lụt cho lưu vực sông Hồng, sông Mã, sông Cả. Hệ thống bờ bao hơn 8.000 km ở đồng bằng Sông Cửu Long, chống lũ đầu mùa bảo vệ lúa hè thu cùng với hệ thống thoát lũ ra biển Tây đã đưa đồng bằng Sông Cửu Long từ một vụ lúa bấp bênh lên hai vụ lúa đông xuân và hè thu có năng suất cao.

III. NHỮNG YÊU CẦU MỚI VÀ THÁCH THỨC.

      trong hội nghị cấp bộ trưởng của 10 nước thành viên asian tổ chức từ ngày 21-23/5/2002 tại băng cốc, các đại biểu, trong đó có đoàn đại biểu việt nam đều thống nhất những thách thức chung đối với ngành nước trong khu vực, bao gồm : sự thiếu hụt về nước và hạn hán; lũ lụt, ngập úng các vùng đất và khu dân cư; thiếu khả năng tiếp cận nguồn nước sạch, nước uống và các thiết bị vệ sinh cho cộng đồng, đặc biệt là những người nghèo; suy thoái môi trường trong các lưu vực nhỏ và vùng hạ lưu châu thổ, sự gia tăng ô nhiễm các nguồn nước; sự thiếu hụt tài chính trong phát triển và quản lý cơ sở hạ tầng về nước; sự cần thiết nâng cao giá trị của nước về mặt kinh tế-xã hội; sự hạn chế trong phát triển thể chế, nâng cao năng lực và nhận thức của cộng đồng. đối với nước ta trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp và nông thôn trong thời kỳ mới, công tác thuỷ lợi cũng chịu những thách thức chung, nhưng nổi lên một số vấn đề chủ yếu sau :

  1. Nước cho cây trồng cạn.

Thực hiện chủ trương và chính sách chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, trong những năm qua đã  có những kết quả bước đầu nhằm tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích. đến năm 2000 diện tích cây công nghiệp, hoa màu, cây ăn quả cả nước khoảng 3.8 triệu ha. đã và đang hình thành nhiều vùng tập trung, vùng nguyên liệu lớn chuyên canh, thâm canh. đặc biệt khu vực kinh tế trang trại với các loại cây trồng cạn như cà phê, tiêu, mía, dâu tằm… chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong nông nghiệp.

Việc đảm bảo nước cho cây trồng cạn đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp là một việc hết sức phức tạp cả về qui hoạch, khoa học công nghệ, đầu tư và cơ chế chính sách. nếu không có sự chỉ đạo tập trung, nghiên cứu sát sao khó có thể mang lại hiệu quả cao.

  1. Nước cho phát triển thuỷ sản.

Tiềm năng nước mặt nuôi trồng thuỷ sản của việt nam khoảng 1.700.000 ha, trong đó diện tích đã đưa vào nuôi trồng khoảng 650.000 ha. vài năm gần đây, do nhu cầu thị trường diện tích nuôi tôm nước lợ ở các tỉnh ven biển tăng vọt. đã xẩy ra tranh chấp giữa nuôi tôm và trồng lúa ở các tỉnh cà mau, bạc liêu, sóc trăng…việc lấy nước mặn vào nuôi tôm nếu không kiểm soát được sẽ làm hỏng diện tích trồng lúa. nhiều vùng tôm đã có hiện tượng tôm bị bệnh hoặc chết hàng loạt gây thiệt hại lớn cho người sản xuất. những vấn đề môi trường nước để đảm bảo hiệu quả cao và bền vững cho phát triển thuỷ sản tập trung đang là những thách thức cần được giải quyết sớm. từ qui hoạch sản xuất, phân định ranh giới giữa tôm lúa đến việc xây dựng hệ thống dẫn, tháo nước và qui trình sử lý nước thải từ diện tích nuôi trồng thuỷ sản đang đòi hỏi được giải quyết.

  1. Ô nhiễm do nước thải từ các làng nghề và khu dân cư.

Việc phục hồi, phát triển các làng nghề truyền thống ở nông thôn sẽ tạo thêm công ăn việc làm, thu nhập cho nông dân, tạo một lượng sản phẩm có giá trị lớn cho xã hội. Nhưng cùng với sự phát triển của sản xuất, yêu cầu nước cho làng nghề và nhất là việc sử lý ô nhiễm nước thải là vấn đề bức xúc. trong các nghề truyền thống có thể sơ bộ phân chia làm 3 nhóm nghề chính :

Tái chế kim loại gồm chủ yếu là sắt, đồng, chì, nhôm… để sản xuất 1 tấn sắt cần 120-130 m3 nước, 1 tấn kim loại màu khoảng 70-80 m3 nước… lượng nước thải ra khoảng 80-85% lượng nước sử dụng. trong nước thải mang nhiều chất ô nhiễm như chì a xít… rất độc hại với môi trường.

Chế biến nông sản thực phẩm như làm bún, chế biến tinh bột sắn, làm dong miến, lò giết mổ gia súc… nhu cầu nước cho một tấn sản phẩm khoảng 40-50 m3. nước thải có độ ph thấp, hàm lượng bod, cod cao có khi lên đến 4000-6000 mg/lít; cặn lơ lửng từ 1500-2200 mg/lít vì vậy mức độ ô nhiễm rất cao.

Sản xuất các mặt hàng thủ công như làm giấy, chiếu cói, dệt lụa… các chất trong nước thải của loại nghề này là các hoá chất sử lý vật liệu như xút, thuốc tẩy, lưu huỳnh… với hàm lượng cao gây ô nhiễm. Cơ sở sản xuất giấy Phú Lâm Bắc Ninh sản xuất 18000-20000 tấn giấy một năm, mỗi ngày thải ra khoảng 3000 m3 nước thải với nhiều chất gây ô nhiễm, trong nước thải hàm lượng chất lơ hửng vượt 5.5 lần, bod vượt từ 4-6 lần, cod vượt 5-8 lần tiêu chuẩn cho phép.

Vấn đề ô nhiễm do nước thải của các làng nghề truyền thống với qui mô ngày càng lớn nếu không có ngay các giải pháp để kiểm soát và xử lý sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người làm việc trong làng nghề và còn nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước trong khu vực.

  1. NHỮNG GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CỦA CÔNG TÁC THUỶ LỢI TRONG SỰ NGHIỆP PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TRONG THỜI KỲ MỚI.

Trước những yêu cầu mới,  để đảm bảo phát triển bền vững công tác thuỷ lợi cần tập trung vào những giải pháp chủ yếu sau :

  1. Nâng cao hiệu quả khai thác các hệ thống thuỷ lợi hiện có.

Theo đánh giá, các công trình thuỷ lợi phục vụ nông nghiệp mới khai thác được 60-65% năng lực thiết kế. Cá biệt có công trình mới khai thác được trên 30% năng lực, việc nâng cao hiệu quả khai thác các công trình thêm 20% sẽ tạo ra một tiềm năng mới với công suất tưới khoảng 600.000 ha. Để nâng cao hiệu quả cần tập trung vào những giải pháp sau:

Đảm bảo các công trình đầu mối an toàn làm việc đủ công suất thiết kế. Chương trình an toàn hồ chứa nước trước hết tập trung cho các hồ có dung tích trên 10 triệu m3 và chiều cao đập trên 15 m là nhằm mục tiêu đó. Hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng, Am Chúa… trước đây chỉ được tích nước thấp hơn mực nước dâng bình thường, sau khi được sửa chữa đã đảm bảo tích đúng thiết kế nhờ đó năng lực được nâng lên…

Tiếp tục thực hiện chương trình kiên cố hoá kênh mương với tổng chiều dài là 26617 km. Theo đánh giá ở các hệ thống đã được kiên cố hoá, năng lực khai thác được nâng cao rõ rệt. Trước tiên là tính đồng bộ, thông suốt của hệ thống thủy lợi được đảm bảo, lượng nước thất thoát giảm từ 20-25%. Bảo đảm đủ độ cao mực nước trên các cấp kênh, tăng diện tích được tưới tự chảy rút ngắn thời gian tưới nước nên công tác quản lý nước trên hệ thống chủ động hơn; chi phí sửa chữa, tu sửa thường xuyên giảm trên 60% so với kênh đất trước đây. Cũng nhờ kiên cố hoá nguồn nước trong kênh sạch sẽ hơn góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn, các kênh đi ven trục đường giao thông sau khi kiên cố được mở rộng và vững chắc hơn. Diện tích canh tác do kênh mương chiếm chỗ sau khi chiếm chỗ được trả lại đáng kể, kênh loại 1 sau kiên cố dôi ra khoảng 2000 m2, kênh loại 2 khoảng 1000 m2 kênh loại 3 khoảng 500 m2.

Tổ chức tốt công tác quản lý và phân phối nước trên toàn hệ thống thuỷ lợi. Đây là một nội dung phức tạp nhưng lại là công đoạn quyết định đến hiệu quả khai thác của hệ thống. Muốn làm tốt phải nâng cao trách nhiệm và sự phối hợp giữa đơn vị dịch vụ nước với những người dùng nước. Từ việc xây dựng kế hoạch sản xuất, kế hoạch dùng nước cần xem xét để bổ sung những nhiệm vụ như nước cho làng nghề, cho thuỷ sản… trên cơ sở cân bằng nước của hệ thống; xây dựng qui trình vận hành hệ thống đến tổ chức điều hành và kiểm tra giám sát, nghiệm thu kết quả phục vụ. Từng bước đưa hệ thống điều hành hiện đại để nâng cao chất lượng quản lý và phân phối nước trên hệ thống thuỷ lợi.

Nâng cao hiệu quả khai thác các hệ thống thuỷ lợi hiện có phục vụ đa mục tiêu là giải pháp nhanh và kinh tế nhất phục vụ chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn.

  1. Tiếp tục đầu tư xây dựng mới các hệ thống công trình thuỷ lợi đặc biệt là các hệ thống tưới cho cây trồng cạn, hệ thống thuỷ lợi phục vụ nuôi trồng thuỷ sản, làm muối.

Tập trung đầu tư công trình tạo nguồn nước, hệ thống tưới và công nghệ phù hợp cho những vùng cây trồng cạn tập trung có hiệu quả kinh tế cao, vùng nguyên liệu của các cơ sở công nghiệp chế biến, vùng cây đặc sản có ưu thế cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới. Bao gồm: Các loại rau, hoa đặc sản nhiệt đới, á nhiệt đới, các cây công nghiệp ngắn ngày: mía, lạc, đậu, bông… các cây công nghiệp dài ngày : cà phê, chè, hồ tiêu… cây ăn quả: vải, thanh long, nho, cam, dứa… trong xem xét phát triển nguồn nước phải nghiên cứu cả nước mặt, nước ngầm; cùng với giải pháp tưới nước cần nghiên cứu áp dụng các giải pháp giữ ẩm. Đầu tư xây dựng hệ thống thuỷ lợi cho cây trồng cạn cần nguồn vốn lớn. Nhà nước cần đầu tư công trình tạo nguồn nước. Hộ nông dân, chủ trang trại tự đầu tư và quản lý hệ thống phân phối trong phạm vi sản xuất của mình.

Đối với việc xây dựng hệ thống thuỷ lợi phục vụ nuôi trồng thuỷ sản, làm muối cần xem xét kỹ qui hoạch sản xuất và tiến độ chuyển đổi cơ cấu sản xuất trên cơ sở đó xây dựng qui hoạch hệ thống thuỷ lợi. Hệ thống thuỷ lợi phục vụ cho nuôi trồng thuỷ sản và làm muối có yêu cầu cao hơn, nghiêm ngặt hơn hệ thống tưới cho cây trồng. Trong đó vấn đề kiểm soát chất lượng nước đến phải hết sức chặt chẽ. Vấn đề xử lý nước thải từ các khu nuôi trồng và vấn đề tiêu thoát nước thải đảm bảo môi trường nước bền vững nhất thiết phải quan tâm đầy đủ.

  1. Xây dựng hệ thống kiểm soát và xử lý nước thải ở các làng nghề, các khu dân cư tập trung.

Trước tiên cần có điều tra đánh giá một cách khoa học về tình hình ô nhiễm nguồn nước của các làng nghề và các khu dân cư tập trung. Từ đó có phân loại và có giải pháp, bước đi phù hợp. Các làng nghề cần có qui hoạch để xây dựng các khu sản xuất tách khỏi các khu dân cư. Nhất là những nghề có nhiều chất độc hại cả phế thải, chất thải rắn và nước thải ô nhiễm. Xây dựng thí điểm hệ thống kiểm soát và sử lý nước thải đối với một số loại hình làng nghề để xác định tiêu chuẩn chung để phổ biến cho các làng nghề. Thực hiện việc kiểm soát chất lượng nước thải vào các nguồn nước theo đúng Luật tài nguyên nước.

  1. Củng cố các doanh nghiệp nhà nước khai thác công trình thủy lợi.

Dù thực hiện xã hội hoá công tác quản lý khai thác công trình thuỷ lợi, nhưng chắc chắn các doanh nghiệp nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo trong lĩnh vực này. Vì thế, việc củng cố các doanh nghiệp khai thác công trình thuỷ lợi là một trọng tâm nhằm nâng cao hiệu quả phục vụ sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn.

Cần rà soát và sắp xếp lại các doanh nghiệp khai thác công trình thuỷ lợi thành doanh nghiệp hoạt động công ích. Các doanh nghiệp này được phép kinh doanh tổng hợp trên lĩnh vực có lợi thế so sánh và pháp luật không cấm. Kinh nghiệm hoạt động kinh doanh tổng hợp của các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực khai thác công trình thuỷ lợi của Trung Quốc là những kinh nghiệm tốt cần được nghiên cứu học tập. Với bộ máy tổ chức gọn nhẹ nhưng hiệu quả là mục tiêu các doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích trong lĩnh vực khai thác công trình thủy lợi phải phấn đấu và vươn tới.

Trong đầu tư cho công tác phát triển thuỷ lợi cần dành tỷ lệ ưu tiên cho quản lý khai thác vì đầu tư vào lĩnh vực này hiệu quả nhanh hơn, lớn hơn đầu tư xây dựng những hệ thống mới. Đầu tư đại tu sửa chữa nâng cấp công trình chống xuống cấp và đảm bảo an toàn, trong đó thực hiện  việc kiên cố hoá kênh mương là một nội dung rất hiệu quả. Đầu tư trang thiết bị, phương tiện quản lý vận hành cho công trình tương xứng với đầu tư xây dựng công trình. Đưa nhanh những tiến bộ khoa học công nghệ, tin học vào quản lý để từng bước hiện đại hoá công tác quản lý khai thác và vận hành.

Tiếp tục bổ sung các thể chế từ qui phạm, qui trình quản lý hệ thống đến từng công trình cụ thể tạo điều kiện cho cán bộ công nhân trực tiếp vận hành công trình và hệ thống một cách khoa học và thuận lợi. Cần sớm hoàn thiện cơ chế tài chính cho doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích trong lĩnh vực khai thác công trình thuỷ lợi theo nguyên tắc: Các doanh nghiệp phải có đủ kinh phí để trang trải các chi phí hợp lý. Trong phần thu phải xác định rõ phần nào thu từ người hưởng lợi, phần nào ngân sách nhà nước hỗ trợ. Thủ tục, trình tự và nguồn hỗ trợ cũng cần có các thể chế qui định cụ thể để các doanh nghiệp thực hiện. Đây là vấn đề phức tạp nhất và đang vướng mắc nhất hiện nay cần được tháo gỡ sớm.

Nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ công nhân trong các doanh nghiệp khai thác công trình thuỷ lợi. Đây là một yêu cầu vừa cấp bách vừa lâu dài. Muốn như vậy từng doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước phải có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, tay nghề cho đội ngũ. Từng bước thực hiện tiêu chuẩn hoá để đội ngũ cán bộ công nhân đủ sức thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Trong các trường đại học, trung học và công nhân cần có sự kết hợp tốt với thực tế sản xuất  để bổ sung các giáo trình giáo án giúp cho công tác đào tạo những cán bộ, công nhân quản lý có đủ những kiến thức cơ bản và bắt kịp những tiến bộ của thực tiễn.

  1. Nâng cao vai trò của cộng đồng, từng bước xã hội hoá công tác thuỷ lợi, phục vụ sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp.

Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi, tại điều 4 qui định “Nhà nước có chính sách khuyến khích và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước đầu tư vốn, nghiên cứu khoa học, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào việc xây dựng bổ sung, tu bổ khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi”.

Đây là những qui định rất phù hợp với quá trình phát triển nền kinh tế thị trường, nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nói cách khác đây là chủ trương từng bước xã hội hoá công tác quản lý khai thác công trình thuỷ lợi trong cơ chế kinh tế mới chủ trương này đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện. Ngay từ những năm 1930 nhiều nước đã đặt vấn đề nông dân (người hưởng lợi từ công trình) tham gia quản lý công trình thuỷ lợi. Từng bước người nông dân được tham gia vào mọi khía cạnh với qui mô ngày càng lớn trong lĩnh vực này. Tại hội nghị quốc tế về “Chuyển giao quản lý tưới” tại Vũ Hán Trung Quốc tháng 9/1994 đã coi đây là cuộc  cách mạng lớn về quản lý công trình thuỷ lợi trên toàn cầu. Theo các chuyên gia quốc tế việc chuyển giao quản lý tưới sẽ có những ưu điểm sau: Nâng cao trách nhiệm của người hưởng lợi. Việc quản lý thuỷ lợi sẽ tốt hơn, thường xuyên và kịp thời hơn thông qua tổ chức tự quản của người nông dân; công tác bảo vệ, giữ gìn hệ thống công trình tốt hơn dẫn đến tiết kiệm chi phí duy tu bảo dưỡng và vận hành công trình; công tác điều hành, thu chi tài chính được công khai. Người nông dân được tham gia ý kiến của mình trong điều hành và giải quyết các tranh chấp; được trao quyền tự chủ về tài chính nên việc thu tiền nước tốt hơn và chi phí chặt chẽ tiết kiệm hơn; Nhà nước giảm nhẹ gánh nặng về quản lý cũng như đầu tư.

Ở nước ta, trong một vài năm gần đây một số địa phương đã làm thử việc chuyển giao cho nông dân quản lý công trình thuỷ lợi trong phạm vi thôn, xã. Những địa phương làm có kết quả tốt như Tuyên Quang, Lào Cai, Thanh Hoá, Nghệ An… thực chất là các địa phương tổ chức lại công tác thuỷ lợi cơ sở thay thế các tổ, đội thuỷ nông của các hợp tác xã nông nghiệp trước đây. Ở những nơi có điều kiện thuận lợi (Thanh Hoá, Nghệ An) đã chuyển giao để nông dân tự quản cả công trình liên xã.

Việc chuyển giao cho nông dân quản lý các công trình thuỷ lợi trong thôn xã vẫn đòi hỏi sự quan tâm của nhà nước trong hoạch định các thể chế, sự giám sát giúp đỡ, đặc biệt là sự hỗ trợ về tài chính trong những trường hợp cần thiết. Cùng với việc chuyển giao nông dân tự quản lý phần thuỷ lợi cơ sở, Nhà nước cần có những chính sách cụ thể hơn để thu hút được những thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư vào công tác thuỷ lợi.

  1. Tăng cường các biện pháp giảm nhẹ thiên tai lũ lụt.

Thiên tai lũ lụt ở nước ta biểu hiện ngày một thường xuyên, ác liệt, bất bình thường hơn. Hiện tại và tương lai cần phải hướng vào các biện pháp tổng hợp quản lý lưu vực sông và vùng trọng điểm thường xuyên bị lũ lụt đe doạ. Đối với Bắc Bộ, phương châm chủ yếu là hạn chế, dần dần đi đến chế ngự từng phần, kết hợp với né tránh và thích nghi bằng các biện pháp công trình và phi công trình. Đối với Miền Trung phương châm là né tránh, thích nghi và hạn chế lũ lụt, với các biện pháp mở rộng lòng sông thoát lũ, mở rộng khẩu độ các cầu cống trên những khu vực thường bị ngập lụt, xây dựng các hồ chứa cắt lũ, xây dựng đê ngăn mặn kết hợp cho lũ tràn qua, xây dựng đê bao để bảo vệ các khu dân cư trọng điểm. Đối với đồng bằng Sông Cửu Long phương châm chủ yếu là thích nghi, né tránh và hạn chế một phần tác động của lũ lụt, trong đó cần chú trọng xây dựng mùa vụ sản xuất và giống cây trồng thích hợp nhằm lách, tránh lũ chính vụ; xây dựng các cụm dân cư và tuyến dân cư với các cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh để chung sống với lũ; xây dựng các hệ thống tiêu thoát lũ nhanh.

  1. Tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế.

Mở rộng hợp tác quốc tế trong quản lý nước và công trình thuỷ lợi trên mọi lĩnh vực từ việc nghiên cứu xây dựng thể chế, chính sách, tăng cường năng lực đến đầu tư xây dựng, khai thác tài nguyên nước và công trình thuỷ lợi. Hợp tác với các nước láng giềng để khai thác và chia sẻ lợi ích trên các sông và nguồn nước quốc tế trên cơ sở đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững tài nguyên nước và công trình thuỷ lợi quốc gia, đồng thời bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ theo luật pháp Việt Nam và các công ước quốc tế mà nước ta là một bên ký kết hoặc tham gia.

  1. KẾT LUẬN.

Nước là tài nguyên đặc biệt quan trọng, là thành phần thiết yếu của sự sống và môi trường, là điều kiện để khai thác và sử dụng tài nguyên khác và là nguyên liệu không thể thay thế của các ngành kinh tế. Mặt khác, nước cũng có thể gây những tai hoạ khủng khiếp cho dân sinh, kinh tế và môi trường.

Tài nguyên nước luôn vận động và luân hồi nhưng hữu hạn. Vì thế việc khai thác xây dựng và quản lý hiệu quả các công trình thuỷ lợi để phát huy những mặt lợi, hạn chế những tác hại của nước, vừa là giải pháp, vừa là mục tiêu hết sức quan trọng đảm bảo sự nghiệp phát triển bền vững nông nghiệp và nông thôn trong thời kỳ mới./.

Theo vncold

Xem thêm 1 số thiết bị hay dùng trong thủy lợi:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0916 990 785